“Rốn nghèo” của Xuân Long
YBĐT – Xã Xuân Long, huyện Yên Bình (Yên Bái) là xã đặc biệt khó khăn, trong đó thôn 11 là cái “rốn” của sự đói nghèo và thiếu thốn. Không điện, không đường, không trường, không nước sạch…, đời sống của người dân nơi đây vô cùng khốn khó.
Đường vào trong làng bắt buộc phải qua con suối lớn này. |
Khốn khó trăm bề
Từ lời nhận xét của đồng chí Phó chủ tịch UBND xã Xuân Long -Hoàng Minh Xuân, chúng tôi đã tới thăm thôn 11 vào một buổi sáng. Con đường độc đạo dẫn vào làng là một con suối lớn, do không có đường nên đành lội bộ. Đi cùng tôi là anh Thang Văn Kiên người tình nguyện dẫn đường. Cũng vì ngăn sông cách núi nên 43 hộ dân nơi đây từ lâu đã trở thành biệt lập trong thung lũng sâu này. Nhìn hình ảnh cụ bà Nông Thị Ngọc 63 tuổi, lội bộ gánh hàng ra chợ xã với đôi chân chai sạn mà chúng tôi gặp trên đường vào khiến ai cũng phải chạnh lòng, đó cũng là hình ảnh chung của gần 200 người dân từ già đến trẻ nơi đây.
“Nhà tôi có hai đứa, đứa lớn học lớp 1, đứa nhỏ học mẫu giáo. Ngày nào cũng vậy tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để cõng hai đứa đi học, đến 3h chiều lại đi đón chúng. Mỗi lần cả đi cả về mất hơn 3 tiếng đấy khổ lắm chú ạ. Mùa đông thì lạnh, mùa lũ nước to nên tôi cho chúng nó nghỉ học thường xuyên, làm sao mà đưa được mãi…” Bà mẹ người Dao – Đặng Thị Thanh than thở.
Được biết, chẳng riêng gì chị mà tất cả những hộ gia đình nơi đây có con nhỏ đi học đều chịu chung nỗi cực nhọc này, chính vì thế mà nhiều người đùa rằng “thôn này là thôn đặc biệt nhất vì cả mẹ lẫn con cùng đi học”. Có lẽ cũng vì giao thông đi lại khó khăn mà chuyện học sinh nơi đây bỏ học xảy ra như cơm bữa. “Ở đây khó khăn quá, không ai nghĩ đến chuyện đi học đâu. Đến nay cả thôn mới vinh dự có được một học sinh học lên đến cấp III, nhưng chưa chắc đã theo hết. Đời bố mẹ đã thất học cũng mong con cháu học cái chữ lắm, nhưng đành lực bất tòng tâm…” – Trưởng thôn Lê Quảng Bình giọng đầy tiếc nuối.
Đường đã vậy mà điện ở đây cũng không có. Với người dân nơi đây thì điện như một giấc mơ xa xỉ. “Sống dầu đèn, chết kèn trống” thôi. Tôi gần đất rồi chỉ mong sao con cái sau này được có điện, được xem cái tivi …”, cụ ông Hoàng Văn Lược nói.
Không điện thắp sáng, cuộc sống của họ cứ mãi tăm tối trong núi rừng sâu thẳm vì mù thông tin. Cuộc sống hàng ngày đã vậy, nhưng khi đau ốm việc lo chỗ khám chữa bệnh cũng thật gian nan. Ở đây bất kể ốm đau bệnh tật hay sinh đẻ người dân đều phó mặc cho ông trời và những bài thuốc nam gia truyền, thậm chí phó mặc số phận cho thầy bói, thầy cúng trong làng… Chẳng thế mà đã có biết bao cái chết oan nghiệt do không được cứu chữa kịp thời. Ở đây chẳng có ai không biết đến cái chết của bà Hoàng Thị Môn, Hoàng Thị Ái hay cái chết trẻ của cậu con trai Trưởng thôn, chỉ là bị cảm nhưng do đường quá xa khi đưa ra đến trạm y tế xã thì đã quá muộn. Cũng không còn ai nhớ nổi những lần “thừa sống thiếu chết” trên đường ra trạm y tế của người dân trong bản.
Thứ có thể coi là giàu có nhất mà người dân nơi đây có được là nước uống vì nhà nào cũng có một vòi nước tự chảy được lấy về từ các con suối. Thế nhưng, có tận mắt chứng kiến cảnh từng đàn trâu thi nhau đằm và “bậy” ngay giữa dòng nước mới thấy được nguồn nước họ đang có và được sử dụng thoải mái nhất đang tiềm ẩn nguy cơ về bệnh tật. Đó là chưa kể đến việc cả bản không có nổi một nhà vệ sinh mà thay vào đó là việc đi vệ sinh bừa bãi vào các bụi rậm gần suối hay chính dòng nước mà họ đang dùng.
Nhà nông có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, thế nhưng nhiều hộ gia đình trong bản 11 này vẫn chưa có nổi một con nghé con để mà cày cấy như bao gia đình làm nông nghiệp khác. Không trâu, không bò, người làm nông nghiệp ở đây như mất đi đôi tay, nghèo đói cứ nối tiếp đói nghèo.
http://forum.saigonlab.com.vn/f92/tet-cung-ba-con-yen-binh-yen-bai-94844/