Chuyến đi đợt 82 của Hội từ thiện những trái tim Việt (Viethearts) lần này là trao quà cho các thầy cô, phụ huynh và học sinh tại 5 điểm trường tại xã Ngam La, Huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.
Một trong những địa chỉ mà nghe tên, ai cũng thấy là địa điểm rât gần, dễ đi, ngay Yên Minh, Hà Giang thôi mà. Nhưng có kết nối, có đi đến mới biết, ngay Yên Minh thật đấy, nhưng các điểm trường tại xã Ngam La thực sự là điểm trường khó khăn: khó khăn vì đường xá chỉ đi được xe, trời mưa thì chỉ bộ được; khó khăn vì vị trí điểm trường, điểm thì trên núi cao, điểm thì dưới thung lũng và đều không có sóng điện thoại, phương tiện liên lạc gần như không có; khó khăn vì không có nước, chỉ dựa vào nước mưa; các điểm trường nhỏ hầu như chưa có nhà vệ sinh.
Nhận được kết nối từ thầy Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Ngam La, thầy Mường mong muốn các nhà hảo tâm có thể hỗ trợ một phần nào những nhu cầu, chia sẻ những khó khăn cho người dân, thầy cô nơi đây, danh mục đoàn chuẩn bị gồm:
Trường PTDTBT tiểu học Ngam La |
NHU CẦU CÁC ĐỒ DÙNG PHỤC VỤ CHO CÁC EM HỌC SINH LỚP HỌC 2023-2024 |
STT | Tên xóm bản | T/s HS Mầm Non |
T/s HS tiểu học |
Số hộ dân |
Số thầy cô giáo |
Bàn ghế HS |
1 | Xóm Tiến Hòa | 45 | 20 | 52 | 3 | 10 |
2 | Xóm Sa Lỳ | 35 | 67 | 2 | 10 | |
3 | Xóm Sủng Hòa | 49 | 11 | 71 | 3 | 10 |
4 | Pờ Chờ Lủng ( tổ 1) | 7 | 19 | 2 | ||
5 | Pờ Chờ Lủng ( tổ 2) | 24 | 15 | 19 | 3 | |
6 | Pờ Chờ Lủng ( tổ 3) | 20 | ||||
7 | Trường Chính | 360 | 20 | |||
8 | Tổng | 160 | 406 | 248 | 13 | 50 |
Do thời gian có hạn, nên chương trình đoàn sẽ chỉ tập kết đồ thiện nguyện ở điểm trường chính, sau đó chia quà cho các điểm trường con và đi trực tiếp vào điểm trường xóm Sủng Hòa, nơi mà trang thiết bị đã bị sét đánh cháy hết trong thời gian trước, sau đó di chuyển tiếp tặng quà và phần ăn trưa cho các học sinh tổ 2 Pờ Chừ Lủng, thăm điểm trường tổ 1 Pờ Chừ Lủng – điểm ở thung lũng.
Với khối lượng công việc như vậy, việc kết nối với các nhà hảo tâm, nhận và tính toàn các phần quà hiện vật, hiện kim đã được em Hương, nhà sáng lập của Hội từ thiện những trái tim Việt (Viethearts) cùng các bác tổ dân phố, các anh chị, các nhà hảo tâm chuẩn bị từ 1 tháng trước. Đó là những buổi chiều đi làm về, có thùng mỳ tôm, hay túi quần áo của ai đó để trên bàn thiện nguyện trước cửa nhà, là những buổi tối các bác tổ dân phố, những người qua đường ngẫu nhiên thấy vào chung tay làm cùng.
Chị Thủy lớn gom bách kẹo và chia thành các phần quà nhỏ cho các cháu.
Những bao tải quà đong đầy tình thương, tình đồng bào đã gọn gàng, sẵn sàng sắp xếp lên chuyến xe đi trong đêm.
Với tinh thần tiết kiệm chi phí, dùng tiền đóng góp hợp lý nhất, thay vì thuê xe to, lần này, do số người tham gia đi trực tiếp trao quà có 7 chị em, em Hương tính toán chỉ thuê 1 xe 1,5 tấn chở hàng và 1 nhà hảo tâm lái xe 7 chỗ chở 7 chị em. Tuy nhiên, sau khi xếp hàng, hàng nhiều quá, vì vậy phải xếp thêm cả lên xe 7 chỗ và vì vậy, xe 7 chỗ chỉ còn chỗ ngồi cho 4 chị, còn 3 chị em trong đó có Hương, em Trang và tôi sẽ đi thêm xe 4 chỗ do Hương lái. Vậy là, bên cạnh trải nghiệm từ của chuyến đi trước như ngồi 3 người trên cabin xe tải, ngồi trên thùng xe chở cát (đợi xịt rửa xe và chuyển đồ và người ngồi lên trên), chuyến đi này sẽ có thêm trải nghiệm tự lái xe và đi xe máy trên những con đường núi đá ngoằn ngoèo.
Thật may, 2 em lái xe tải rất nhiệt tình, không ngại bê đồ, xếp đồ cùng cả đoàn. Thật cảm ơn nhà hảo tâm đã tặng quà và lại còn chở 4 chị em lên điểm trường. Thật cảm ơn em Hương vững tay lái đưa Trang và chị lên Hà Giang.
Ngày 22/11, 19g00 xếp đồ lên xe, 21g00 rời Hà Nội, 3 chị em vừa đi, vừa nghỉ, và 2g00 sáng 23/11 đến thành phố Tuyên Quang, loanh quanh tìm được 1 phòng khách sạn, 3 chị em lăn ra ngủ lại sức để 4g00 tiếp tục lên đường đi Hà Giang. 8g00 xe đến km số 0, em Hương đã thấm mệt và lo không kịp giờ lên các điểm trường vì chỉ xe ô tô được đến điểm trường chính, sau đó di chuyển thêm nhiều tiếng bằng xe máy mới đến từng điểm trường, em đã nhờ thầy Mường hỗ trợ 1 lái xe chuyên nghiệp đưa 3 chị em lên Yên Minh cho kịp tiến độ. Thêm 1 thành viên nhiệt tình, anh Tiến là giáo viên dạy lái xe ở Hà Giang đã nhanh chóng đưa 3 chị em lên điểm trường, trong khi đó, xe chở hàng cũng được 1 thầy giáo dẫn đường từ Yên Minh di chuyển thẳng đến điểm trường, xe 7 chỗ cũng được hướng dẫn để đến điểm chuẩn bị bữa ăn trưa cho các cháu học sinh.
Theo bài viết Pờ Chừ Lủng – vùng đất bị lãng quên Báo Thanh niên điện tử 30/8/2018 nhà báo Mai Thanh Hải viết: người Mông ở Pờ Chừ Lủng định cư trên đỉnh núi đá cao gần 2.000 m, nên thiếu nước cũng là điều dễ hiểu. Trẻ con sống trên miền lạnh đứa nào cũng môi hồng, mắt đen, má phính, nhưng chân tay, cổ ngực bám đầy ghét bẩn đen đúa. Không có suối, sông mạch ngầm, nguồn cung cấp nước chỉ trông mong vào những cơn mưa hiếm hoi tầm tháng 7 – 8 dương lịch. Đồ trữ nước bao năm nay là những hố sâu 2 – 3 m. Mưa to, chất thải động vật, xác chuột, rắn chết tràn hết vào. Mùa khô, thứ nước ấy xanh lét, tanh ngòm cùng với lá rừng rụng xuống, nhưng người dân vẫn phải nhắm mắt lấy làm nước uống, nấu ăn.
Đi đến tận nơi trao quà, tôi cũng mới cảm nhận được hết khó khăn nơi đây, mới càng thấy khâm phục thêm lòng yêu nghề, yêu trẻ, đức hy sinh của các thầy cô nơi đây, 1 tuần ở tại điểm trường, cuối tuần mới về nhà, khí hậu trên núi khắc nghiệt, nước sinh hoạt khan hiếm, sóng điện thoại không có, nhà vệ sinh không có,… Đến tận nơi để gặp những gương mặt trẻ thơ đáng yêu, ánh mắt trong veo trên khuôn mặt nhọ nhem vì cáu bẩn, vì nước mũi thi nhau chảy ra. Đến tận nơi để thấy đất núi đá với những cây ngô còi cọc, nguồn lương thực chính cho 100% hộ dân ở đây với món mèn mén (bột ngô xay), những đàn gà chạy tung tăng, cũng bé lắm, nuôi gần năm trời mới được 2 kg để bán lấy tiền mua muối, mỡ lợn về để cầm cự qua những ngày đống gió buốt.
Các nhà hảo tâm đáng kính, chúng tôi đã hoàn thành chuyến đi trao quà tận điểm trường, chuyển hết tình thương, lòng hảo tâm, cũng như tinh thần san sẻ của các nhà hảo tâm đén thày trò nơi đây. Chúng tôi rất hy vọng rằng, sẽ có các nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện, chính quyền địa phương sở tại sẽ quan tâm, mang nhiều hơn những điều kiện sống tốt hơn cho thầy cô giáo, người dân và học sinh nơi đây.