Những trái tim Việt – Cảm xúc từ một chuyến đi thực tế
Sáng ngày 15.05.2011.
Hà Nội vào đầu hạ với cái nắng đan xen trong mưa bụi khó hiểu, đổ vào không khí một thứ mùi hương vừa oi bức, vừa nồng nồng. Con người đứng giữa hai thái cực: nổ tung vì sự ngột ngạt hoặc lòng dịu lại bởi sự tươi mát của mưa.
Thì cuối cùng mưa cũng đổ xuống, hạt dày hơn, và đồng nghĩa với nắng oi sáng sớm dần dần biến mất. Chính lúc đó, 8 rưỡi sáng, tôi và bạn Thanh bắt đầu chuyến hành trình lên Bắc Giang thăm, khảo sát tình hình thực tế của gia đình mẹ con em Đào Văn Hưng ở thôn Trễ Sa, xã Phương Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Cần phải nói sơ qua về cơ duyên khiến chúng tôi đến với gia đình em Hưng.
Qua Những Trái Tim Việt, trụ sở ở trong Nam, em Hưng được giới thiệu đến cơ sở của tổ chức ở ngoài bắc. Và đây chính là cầu nối đưa chúng tôi đến với chuyến đi thực tế này.
Em Đào Văn Hưng sinh năm 1990, là con thứ 2 trong một gia đình nông dân nghèo. Cuộc sống khởi đầu với em đã là một sự thiệt thòi và bất công: Em bị khuyết tật bẩm sinh, đôi chân bị teo, khập khiễng, khuôn mặt cũng không được bình thường.
Em Đào Văn Hưng với đôi chân khập khiễng
Trước sự thiệt thòi của em, ba em chẳng những không thương cảm, cùng mẹ chăm sóc em và chị gái, mà ngược lại, ông bỏ rơi mẹ con em ngay sau khi em chào đời được vài tuần lễ. Vậy là 20 năm qua, trong căn nhà nhỏ của một vùng quê xứ Lục Ngạn, mẹ em, bà Hà Thị Được, tần tảo nuôi em và chị gái khôn lớn. Đến nay, chị gái em đã đi lấy chồng, cuộc sống cũng phần nào bớt đi nỗi âu lo trong lòng người mẹ nông dân ấy.
Nhưng vẫn còn đó là nỗi lo của bà Được về cậu con trai nhỏ tật nguyền. 11 h rưỡi, sau một chuyến đi dài bị ngắt quãng bởi các trạm dừng, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại con đường ruột dẫn vào nhà em. Hưng đã đứng chờ ở đó từ bao giờ, cùng anh họ đón chúng tôi về nhà.
Ngôi nhà nho nhỏ nằm sát sườn đồi. Như biết bao ngôi nhà của vùng đất vải này, xung quanh là vườn cây vải um tùm đang mùa đơm quả. Đón chúng tôi sau chặng đường dài, bà Được ân cần dọn mâm cơm giản dị, ấm cúng với rau cải, rau bầu vườn nhà và đĩa thức ăn cũng lấy từ vườn nhà. Người quê vẫn vậy, dẫu đời sống có khó khăn đến mấy, vẫn cố gắng chỉn chu nhất có thể cho một bữa cơm đãi khách đường xa.
Bên bữa cơm gia đình
Sau bữa cơm, chúng tôi đã có buổi nói chuyện thân mật để tìm hiểu rõ hơn gia cảnh của gia đình em Hưng. Bà con chòm xóm quanh đó biết tin có người “Từ Hà Nội về”, cũng sang chơi, nói chuyện, hỏi han, làm chúng tôi thêm thấy ý nghĩa của chuyến đi này: đó là sự trải nghiệm về tình người thôn quê. Qua chia sẻ, chúng tôi được biết, Hưng bị tật nguyền từ nhỏ, đời sống chịu nhiều thiệt thòi. Sức khỏe em không được tốt, không thể bê vác được gì cả. Mọi công việc trong nhà đều do mẹ gánh vác đỡ đần. Em đã đến trường đến năm lớp 9, và suốt thời gian đó, mẹ là người chở em đi về trên con đường cắp sách. Tôi nhớ nhất là lời kể về sức khỏe của em. Răng em rất yếu, không thể ăn được các thức ăn cứng như thịt. Và vì thế, thức ăn mà em có thể ăn được chính là đậu hũ. Lúc đó tôi chợt nhớ tới khi còn ngồi bên mâm cơm, có lần tôi quay sang thấy em đang ăn cơm mà cảm giác như em đang nuốt 1 cục nghẹn vào cổ, rất khó khăn và thương. Và tôi hiểu cuộc sống của em thực sự thiệt thòi biết bao: Để sống được đến ngày hôm nay, hẳn bản thân em đã phải đấu tranh với bản thân, với những nỗi tủi thân, những thiếu thốn, mặc cảm. Tôi cảm thấy thương em rất nhiều.
Và bên cạnh lòng thương là niềm tin, niềm vui nhỏ mà em dấy lên trong tôi. Hưng chia sẻ: Hiện tại em đang theo học khóa tin học văn phòng tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Việt Yên – Bắc Giang. Em cho biết mong muốn của mình là sau này có thể tự nuôi sống bản thân mình, trở thành người có ích cho xã hội.
Hoàn cảnh của em Hưng còn gợi lên trong tôi nhiều suy nghĩ hơn khi nghe những chia sẻ về mẹ em. Mẹ em- bà Được cũng đã già yếu. Bà bị vôi hóa cột sống và bị khớp và phải thường xuyên dùng thuốc. Cuộc sống hai mẹ con cứ lầm lũi trôi đi với căn nhà nhỏ, với 2 sào ruộng và mấy gốc vải quanh nhà.
Bà Được xúc động nhận tấm lòng hỗ trợ của Tổ chức Những Trái Tim Việt
2h chiều, chúng tôi khởi hành trở về Hà Nội. Khi xe qua ngõ, tôi ngoảnh nhìn lại ngôi nhà nhỏ, không hiểu sao lòng bỗng thấy bình yên lạ. Mẹ con bà Được cùng chòm xóm vẫn đứng đó tiễn chúng tôi ra về, nụ cười đôn hậu. Tôi nghĩ đến lời tâm sự thật lòng của bà Được về cậu con trai tật nguyền: “Không biết sau này có ai thương được em Hưng nhà bác cho có vợ, có chồng không.” Tôi nghĩ về ước mơ giản dị, và cũng là khát khao cháy bỏng của em Hưng: Tự nuôi sống bản thân, trở thành người có ích trong xã hội. Và tôi tin là cùng với ý chí, điều kì diệu sẽ xảy ra. Tôi thầm
chúc cho ước mơ của em thành sự thật.